
Gửi tới những nhà khoa học, những nhà đổi mới và những nhà hoạt động đang dẫn đầu.
51 tỉ đến 0
Có hai con số bạn cần biết về biến đổi khí hậu. Con số đầu tiên là 51 tỉ. Con số còn lại là 0.
51 tỉ là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Mặc dù con số này có thể tăng hoặc giảm một chút qua các năm, nhưng nhìn chung, nó đang tăng lên. Đây là thực trạng hiện nay.i
i. Con số 51 tỉ tấn được dựa trên những dữ liệu cập nhật nhất. Lượng phát thải toàn cầu đã giảm xuống một chút vào năm 2020 – có lẽ vào khoảng 5% – do nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 kìm hãm nặng nề. Nhưng vì chúng ta không biết số liệu chính xác của năm 2020, tôi sẽ sử dụng con số 51 tỉ tấn để nói về tổng lượng phát thải. Chúng sẽ sẽ thường xuyên nhắc đến chủ đề COVID-19 trong suốt cuốn sách này. (Chú thích của tác giả, các chú thích của người biên tập sẽ có thêm ký hiệu BT.)
Còn 0 chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới. Để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu (những tác động này sẽ thực sự tồi tệ), con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Nhiệm vụ này nghe có vẻ khó khăn, bởi vì nó thực sự là vậy. Thế giới chưa bao giờ làm được điều gì lớn lao như thế. Mỗi quốc gia đều cần thay đổi hướng đi của mình. Hầu như mọi hoạt động của cuộc sống hiện đại – phát triển, sản xuất, di chuyển – đều liên quan đến việc giải phóng khí nhà kính, và theo thời gian, sẽ có càng nhiều người tuân theo lối sống hiện đại này. Điều đó cũng tốt, cuộc sống của họ sẽ ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, thế giới sẽ tiếp tục tạo ra khí nhà kính và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tồi tệ hơn, còn tác động lên con người nhiều khả năng sẽ trở thành thảm họa.
Nhưng “không có gì thay đổi” lại là một giả định lớn. Tôi tin rằng mọi thứ có thể thay đổi. Chúng ta đã có một số công cụ cần thiết; và với những kiến thức về khí hậu và công nghệ mà mình đã học được, tôi lạc quan tin rằng chúng ta có thể phát minh và triển khai những công cụ mà mình chưa có. Nếu hành động đủ nhanh, chúng ta có thể tránh được một thảm họa khí hậu.
Cuốn sách này được dành để nói về những điều kiện cần thiết cho mục tiêu trên và lý do tôi cho rằng chúng ta có thể làm được điều ấy.
—
Hai thập niên trước, tôi chưa hề nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ nói chuyện trước công chúng về biến đổi khí hậu, chứ đừng nói tới việc viết một cuốn sách về chủ đề này. Nền tảng của tôi là về phần mềm, không phải là khoa học khí hậu; vậy mà những ngày này, tôi đang dành toàn thời gian làm việc với Melinda, người vợ của tôii, tại Quỹ Gates, nơi chúng tôi đang tập trung làm việc về các vấn đề phát triển. sức khỏe toàn cầu và nền giáo dục của nước Mỹ.
i. Tại thời điểm viết cuốn sách, Bill Gates và vợ chưa ly hôn. (BT)
Tôi đến với lĩnh vực biến đổi khí hậu qua một con đường gián tiếp – bắt đầu từ vấn đề thiếu khả năng tiếp cận năng lượng.
Vào đầu những năm 2000, khi Quỹ Gates mới khởi sự, tôi bắt đầu đi đến những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi hạ Sahara và Nam Á để tìm hiểu thêm về tỉ lệ tử vong ở trẻ em, HIV và những vấn đề lớn khác mà chúng tôi đang can thiệp. Nhưng tôi không chỉ quan tâm đến bệnh tật. Khi bay qua những thành phố lớn tại đó và nhìn qua ô cửa sổ máy bay, tôi nghĩ: “Tại sao ngoài đó lại tối đến vậy? Thứ ánh sáng như ở New York, Paris hay Bắc Kinh đâu rồi?”
Ở Lagos, Nigeria, tôi đi dọc những con phố tối tăm thiếu ánh đèn, nơi mọi người đang tụ tập quanh đống lửa được thắp trong những thùng dầu cũ. Ở những ngôi làng hẻo lánh, Melinda và tôi đã gặp những phụ nữ và bé gái phải dành hàng giờ kiếm củi mỗi ngày để có thể nấu nướng trên ngọn lửa trần trong nhà. Chúng tôi đã gặp những đứa trẻ làm bài tập dưới ánh nến vì không có điện.
Melinda và tôi thường gặp những đứa trẻ như Ovulube Chinachi, một cậu bé chín tuổi, sống tại Lagos, Nigeria và phải làm bài tập dưới ánh nến.1
Tôi đã được biết rằng có khoảng một tỉ người không được tiếp cận với nguồn điện ổn định và một nửa trong số họ sống ở châu Phi hạ Sahara. (Thực trạng này đã được cải thiện một chút; ngày nay có khoảng 860 triệu người không được sử dụng điện.) Tôi nghĩ về phương châm của Quỹ Gates – “Mọi người đều xứng đáng có cơ hội để sống một cuộc đời khỏe mạnh và tích cực” – và những khó khăn người ta gặp phải để giữ sức khỏe nếu phòng khám ở nơi họ sống không thể bảo quản vắc-xin vì tủ lạnh không hoạt động. Thật khó để làm việc hiệu quả nếu không có đèn để đọc. Cũng không thể xây dựng một nền kinh tế với đầy đủ cơ hội việc làm nếu không có một nguồn điện dồi dào, ổn định, giá cả phải chăng để cung cấp cho các văn phòng, nhà máy và trung tâm chăm sóc khách hàng.
Cùng thời điểm đó, vị Giáo sư quá cố David MacKay thuộc Đại học Cambridge đã chia sẻ với tôi một biểu đồ cho thấy mối quan hệ giữa thu nhập và việc sử dụng năng lượng, cụ thể hơn là thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia và lượng điện tiêu thụ của người dân. Trục hoành của biểu đồ thể hiện thu nhập bình quân đầu người của nhiều quốc gia; trục tung thể hiện mức năng lượng tiêu thụ. Và tôi có thể thấy rõ rằng hai vấn đề này có mối tương quan.
Thu nhập tính trên đầu người, 2014
Thu nhập tỉ lệ thuận với sử dụng năng lượng. Đây là biểu đồ mà David MacKay đã cho tôi xem. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương quan. (Cơ quan Năng lượng Quốc tế; Ngân hàng Thế giới)2
Khi hiểu được tất cả những thông tin này, tôi bắt đầu tư duy về những cách mà qua đó thế giới có thể giúp những người nghèo tiếp cận với nguồn năng lượng ổn định với giá cả phải chăng. Sẽ chẳng hợp lý nếu Quỹ Gates tìm cách giải quyết vấn đề lớn này – chúng tôi cần tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình – nhưng tôi đã bắt đầu thảo luận về các ý tưởng với một số người bạn vốn là những nhà phát minh. Tôi đọc sâu hơn về chủ đề này, bao gồm một số cuốn sách mang tính khai sáng của nhà khoa học kiêm sử gia Vaclav Smil; ông đã giúp tôi hiểu năng lượng quan trọng như thế nào đối với nền văn minh hiện đại.
Vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu được rằng chúng ta cần phải đạt được con số 0. Các quốc gia giàu có vốn chịu trách nhiệm về phần lớn lượng phát thải đang bắt đầu chú ý đến biến đổi khí hậu, và tôi từng cho rằng như vậy là đủ. Tôi tin mình có thể góp sức bằng việc vận động để tạo ra nguồn năng lượng đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho người nghèo.
Một mặt, họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Năng lượng rẻ hơn không chỉ đem lại ánh sáng trong đêm, mà còn làm hạ chi phí mua phân bón cho đồng ruộng và xi măng để xây nhà. Và khi xét đến biến đổi khí hậu, người nghèo sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Phần lớn trong số họ là những con người đang có một cuộc sống bấp bênh và không thể chịu đựng thêm hạn hán hay lũ lụt nữa.
Mọi thứ đã thay đổi vào cuối năm 2006 khi tôi gặp hai người đồng nghiệp từng làm việc tại Microsoft, họ đang tạo lập nên những tổ chức phi lợi nhuận tập trung hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và khí hậu. Đi cùng họ là hai nhà khoa học khí hậu với những hiểu biết sâu sắc về vấn đề, bốn người họ đã chỉ ra cho tôi những dữ liệu cho thấy mối liên quan giữa phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
Tôi biết rằng khí nhà kính đang làm nhiệt độ tăng lên, nhưng tôi từng cho rằng đó là những sự biến đổi theo chu kỳ, hoặc theo tự nhiên sẽ có những yếu tố khác ngăn chặn một thảm họa khí hậu thực sự. Và thật khó để chấp nhận rằng nhiệt độ vẫn sẽ tiếp tục tăng lên, trừ phi con người hoàn toàn ngừng phát thải thêm khí nhà kính.
Cuối cùng tôi cũng hiểu vấn đề sau khi tìm đến họ thêm một số lần cùng những câu hỏi liên quan. Thế giới cần nhiều năng lượng hơn để những người nghèo nhất có thể phát triển, nhưng chúng ta cần cung cấp năng lượng đó mà không tạo ra thêm khí nhà kính.
Bây giờ, vấn đề dường như còn khó khăn hơn. Chỉ cung cấp nguồn năng lượng rẻ và ổn định cho người nghèo thôi là chưa đủ, chúng còn cần phải sạch nữa.
Tôi tiếp tục tìm hiểu mọi thứ có thể về biến đổi khí hậu. Tôi đã gặp các chuyên gia về khí hậu, năng lượng, nông nghiệp, đại dương, mực nước biển, sông băng, đường dây điện và nhiều lĩnh vực khác nữa. Tôi đã đọc các báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc – cơ quan này đã xác lập sự đồng thuận khoa học về chủ đề biến đổi khí hậu. Tôi đã xem Earth’s Changing Climate (tạm dịch: Sự biến đổi của khí hậu Trái Đất) – một loạt bài giảng tuyệt vời của Giáo sư Richard Wolfson trong khóa học Great Courses. Tôi đã đọc Weather for Dummies (tạm dịch: Thời tiết cho Bạn ngốc) – đây vẫn là một trong những cuốn sách hay nhất về thời tiết mà tôi được cầm trên tay.
Tôi nhận thấy rõ rằng các nguồn năng lượng tái tạo hiện tại của chúng ta – chủ yếu là gió và Mặt Trời – có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề, nhưng chúng ta chưa nỗ lực hết sức để sử dụng chúng.i Tôi cũng hiểu rõ tại sao chỉ năng lượng gió và Mặt Trời là không đủ để đưa chúng ta đến con số 0. Không phải lúc nào gió cũng thổi và Mặt Trời cũng chiếu sáng, chúng ta cũng không có các loại pin với giá cả phải chăng để lưu trữ một lượng điện năng ở quy mô thành phố trong một thời gian đủ dài. Bên cạnh đó, việc sản xuất điện chỉ chiếm 27% tổng lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngay cả khi đã có một bước đột phá lớn về pin, chúng ta vẫn cần loại bỏ 73% lượng phát thải còn lại.
i. Thủy điện – điện năng được tạo ra nhờ dòng nước chảy xuống đập – là một nguồn năng lượng tái tạo. Trên thực tế, nó là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất nước Mỹ. Nhưng chúng ta đã khai thác hầu hết nguồn thủy điện sẵn có. Chẳng còn gì nhiều để phát triển thêm nữa. Vì vậy, phần lớn những nguồn năng lượng sạch bổ sung phải đến từ nguồn khác.
Trong vòng vài năm, tôi đã được thuyết phục về ba điểm sau:
1. Để tránh thảm họa khí hậu, chúng ta phải đạt được con số 0.
2. Chúng ta cần triển khai các công cụ sẵn có, như năng lượng Mặt Trời và gió, một cách nhanh hơn và khôn ngoan hơn.
3. Chúng ta cần tạo ra và triển khai các công nghệ đột phá để hoàn thành chặng đường hướng đến mục tiêu.
Con số 0 đã và đang là một mục tiêu nhất định phải đạt được. Nếu chúng ta còn xả thêm khí nhà kính vào khí quyển, nhiệt độ vẫn sẽ tiếp tục tăng lên. Có thể so sánh thật dễ hiểu như sau: Khí hậu giống như một chiếc bồn tắm được từ từ đổ đầy nước. Ngay cả khi chúng ta chỉ cho nước chảy nhỏ giọt, bồn tắm cuối cùng vẫn sẽ đầy và nước vẫn sẽ tràn ra sàn. Đó là thảm họa mà chúng ta phải ngăn chặn. Nhưng nếu mục tiêu chỉ dừng lại ở giảm thiểu thay vì loại bỏ lượng phát thải, chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Đích đến hợp lý duy nhất là con số 0. (Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của con số 0 và tác động của biến đổi khí hậu, hãy xem Chương 1.)
Nhưng khi biết được những điều này, tôi không chủ đích tìm kiếm thêm một vấn đề để giải quyết. Sức khỏe và sự phát triển toàn cầu cùng với nền giáo dục của nước Mỹ là hai lĩnh vực mà tôi và Melinda đã lựa chọn để tìm hiểu, xây dựng đội ngũ chuyên gia và đầu tư nguồn lực của mình. Tôi cũng nhận ra rằng nhiều người nổi tiếng đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch hành động của họ.
Vì vậy, dù đã tham gia nhiều hơn, nhưng tôi vẫn không đặt nó thành ưu tiên hàng đầu. Khi có thời gian, tôi đọc sách và gặp gỡ các chuyên gia. Tôi đầu tư vào một số công ty năng lượng sạch. Tôi bỏ vài trăm triệu đô-la để thành lập một công ty với mục đích thiết kế nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới; đó sẽ là một cơ sở có khả năng sản xuất điện sạch và tạo ra rất ít chất thải hạt nhân. Tôi có một buổi thuyết trình TED mang tên “Innovating to Zero!” (tạm dịch: Đổi mới để Phát thải bằng 0). Nhưng chủ yếu, tôi vẫn tập trung vào công việc của Quỹ Gates.
Sau đó, vào mùa xuân năm 2015, tôi quyết định rằng mình cần phải làm nhiều hơn và lên tiếng nhiều hơn. Tôi từng xem các bản tin về sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ; họ đang tổ chức biểu tình để yêu cầu các quỹ tài trợ của trường phải thoái vốn khỏi ngành nhiên liệu hóa thạch. Là một phần của phong trào đó, tờ The Guardian của nước Anh đã phát động một chiến dịch kêu gọi Quỹ Gates từ bỏ một phần nhỏ tài sản đang được đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch. Họ đã làm một video với hình ảnh của những người từ khắp nơi trên thế giới đang yêu cầu tôi thoái vốn.
Tôi hiểu tại sao The Guardian lại chọn Quỹ Gates và chính bản thân tôi. Tôi cũng ngưỡng mộ nhiệt huyết của các nhà hoạt động; tôi đã thấy các sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, sau đó là chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi, và tôi biết họ đã tạo ra sự khác biệt thực sự. Thật tốt khi thấy lòng nhiệt huyết này hướng đến việc thay đổi khí hậu.
Mặt khác, tôi tiếp tục nghĩ về những gì mình đã chứng kiến trong các chuyến đi. Ví dụ, Ấn Độ có dân số 1,4 tỉ người, nhiều người trong số họ thuộc nhóm nghèo nhất thế giới. Tôi không nghĩ sẽ là công bằng khi bất cứ ai nói với người Ấn Độ rằng con cái của họ không được học dưới ánh đèn, hoặc hàng nghìn người Ấn Độ phải chết trong những đợt nắng nóng, vì sản xuất điện để thắp sáng đèn hay sử dụng máy điều hòa không khí là có hại cho môi trường. Giải pháp duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến là khiến năng lượng sạch có giá thấp đến mức mọi quốc gia sẽ chọn nó thay vì nhiên liệu hóa thạch.
Tôi đánh giá cao lòng nhiệt huyết của những con người đang biểu tình kia, nhưng tôi không cho rằng chỉ thoái vốn là đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu hoặc giúp đỡ người dân ở các nước nghèo. Sẽ là một chuyện nếu tôi thoái vốn khỏi các công ty để chống lại chế độ phân biệt chủng tộc apartheid – một thể chế chính trị sẽ (và đã) chịu ảnh hưởng từ áp lực kinh tế. Và sẽ là một chuyện hoàn toàn khác nếu muốn thay đổi hệ thống năng lượng của thế giới – một ngành công nghiệp trị giá khoảng năm ngàn tỉ đô-la mỗi năm và là nền tảng của nền kinh tế hiện đại – chỉ bằng cách bán cổ phiếu của các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Đến giờ tôi vẫn giữ nguyên quan điểm. Nhưng tôi nhận ra mình có nhiều lý do khác để không sở hữu cổ phiếu của các công ty nhiên liệu hóa thạch – cụ thể là, tôi không muốn thu lợi nếu giá cổ phiếu của họ tăng lên, nguyên nhân là vì chúng tôi không phát triển các giải pháp thay thế không phát thải carbon. Tôi sẽ cảm thấy tồi tệ nếu bản thân được hưởng lợi từ sự chậm trễ trong việc đạt được con số 0. Vì vậy, vào năm 2019, tôi đã rút toàn bộ số vốn mình nắm giữ trực tiếp tại các công ty dầu khí; các tổ chức tín thác quản lý Quỹ Gates cũng đã làm điều tương tự. (Trong những năm qua, tôi không đầu tư vào các công ty than.)
Đây là lựa chọn cá nhân, một lựa chọn mà tôi may mắn có thể thực hiện. Nhưng tôi hiểu rõ rằng nó sẽ không có tác động thực sự đến việc giảm lượng phát thải. Việc hướng tới con số 0 đòi hỏi một cách tiếp cận rộng hơn nhiều: Chúng ta cần thúc đẩy thay đổi trên quy mô lớn bằng cách sử dụng tất cả các công cụ trong tầm tay, bao gồm các chính sách của chính phủ, công nghệ hiện tại, phát minh mới và khả năng của thị trường tư nhân để tăng khả năng tiếp cận đến một số lượng lớn người.
Cuối năm 2015, một cơ hội cho sự tiến bộ và những khoản đầu tư mới đã xuất hiện: COP 21 – một hội nghị lớn về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Paris vào tháng 11 và tháng 12. Vài tháng trước hội nghị, tôi đã gặp François Hollande, Tổng thống Pháp vào thời điểm đó. Hollande quan tâm đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia hội nghị, còn tôi quan tâm đến việc đạt được sự đổi mới trong chương trình hành động. Cả hai chúng tôi đều nhìn thấy cơ hội. Ông ấy nghĩ tôi có thể giúp đưa các nhà đầu tư đến hội nghị; tôi nói điều đó có lý, mặc dù công cuộc sẽ dễ dàng hơn nếu các chính phủ cũng cam kết chi nhiều hơn cho nghiên cứu về năng lượng.
Cuộc thương thảo đó không hẳn dễ dàng. Ngay cả những khoản đầu tư của nước Mỹ vào nghiên cứu năng lượng cũng thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực thiết yếu khác, chẳng hạn như y tế và quốc phòng. Mặc dù một số quốc gia đã chậm rãi mở rộng nỗ lực nghiên cứu, nhưng mức độ vẫn còn rất thấp. Và họ vẫn do dự chưa muốn tiến xa hơn, trừ phi biết rằng khu vực tư nhân sẽ đầu tư đủ để đưa những ý tưởng ra khỏi phòng thí nghiệm và biến chúng thành những sản phẩm thực sự giúp ích cho người dân.
Nhưng đến năm 2015, nguồn vốn tư nhân đã cạn kiệt. Nhiều công ty đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ xanh đã rút lui vì lợi nhuận đạt được là quá thấp. Họ đã quen với việc đầu tư vào công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, nơi mà thành công thường đến nhanh chóng và quy định của chính phủ cũng ít hơn. Năng lượng sạch lại là một vấn đề hoàn toàn khác, và họ đang dần bỏ cuộc.
Rõ ràng, chúng tôi cần tìm ra những nguồn đầu tư mới và một cách tiếp cận khác biệt được dành riêng cho năng lượng sạch. Vào tháng 9, hai tháng trước khi hội nghị Paris bắt đầu, tôi đã gửi email cho hơn 20 người thân quen có khả năng đầu tư, với hi vọng thuyết phục họ cam kết tài trợ mạo hiểm để bổ sung vào khoản chi phí dành cho nghiên cứu của chính phủ. Họ cần đầu tư dài hạn – những bước phát triển đột phá về năng lượng có thể mất nhiều thập niên để phát triển – và họ sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro. Để tránh những rủi ro mà các nhà đầu tư mạo hiểm đã gặp phải, tôi cam kết sẽ giúp xây dựng một đội ngũ chuyên gia trọng điểm, những người sẽ kiểm tra các công ty và giúp họ xử lý các vấn đề phức tạp trong ngành năng lượng.
Tôi rất vui vì nhận được sự phản hồi. Nhà đầu tư đầu tiên đã nói có trong vòng chưa đầy bốn giờ. Vào thời điểm hội nghị Paris bắt đầu vào hai tháng sau đó, 26 người khác đã tham gia và chúng tôi đặt tên tổ chức là Liên minh Năng lượng Đột phá. Giờ đây tổ chức ấy được gọi là Năng lượng Đột phá; và qua các chương trình từ thiện, nỗ lực vận động chính sách và quỹ tư nhân, tổ chức này đã đầu tư vào hơn 40 công ty với những ý tưởng đầy hứa hẹn.
Lễ khởi động Sứ mệnh Đổi mới với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm 2015 tại Paris. (Hãy xem Chú thích để biết tên của những người trong ảnh.)3
Các chính phủ cũng đã tham gia. Hai mươi nguyên thủ quốc gia đã cùng họp mặt tại Paris và cam kết tăng gấp đôi kinh phí nghiên cứu. Tổng thống Pháp Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là những người đã đưa các quốc gia lại gần nhau; trên thực tế, Thủ tướng Modi là người đặt tên cho nỗ lực: Sứ mệnh Đổi mới. Ngày nay 24 quốc gia và Ủy ban Châu Âu đã tham gia vào Sứ mệnh Đổi mới và đem lại 4,6 tỉ đô-la mỗi năm cho nghiên cứu năng lượng sạch, một mức gia tăng hơn 50% chỉ trong một vài năm.
Bước ngoặt tiếp theo của câu chuyện này sẽ rất quen thuộc với bất cứ ai đang đọc cuốn sách này.
Năm 2020, thảm họa xảy ra khi một loại virus corona lan truyền khắp thế giới. Bất kỳ ai từng biết đến những đại dịch trong lịch sử hẳn không cảm thấy bất ngờ trước sự tàn phá do COVID-19. Với mối quan tâm dành cho vấn đề sức khỏe toàn cầu, tôi đã nghiên cứu các đợt bùng phát dịch bệnh trong nhiều năm, và tôi lo ngại sâu sắc rằng thế giới chưa sẵn sàng đối phó với một sự kiện tương tự đại dịch cúm Tây Ban Nha từng cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người vào năm 1918. Vào năm 2015, trong một buổi thuyết trình TED và một số cuộc phỏng vấn, tôi đã đưa ra quan điểm rằng chúng ta cần tạo ra một hệ thống để phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch lớn. Những người khác, bao gồm cả cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cũng đưa ra lập luận tương tự.
Thật không may, thế giới đã chuẩn bị rất ít, và khi chủng mới của virus corona xuất hiện, nó gây ra thiệt hại về người và kinh tế lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại Suy thoái. Mặc dù vẫn tiếp tục thực hiện nhiều công việc liên quan đến biến đổi khí hậu, Melinda và tôi đã coi COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của Quỹ Gates và là trọng tâm chính trong hoạt động của chúng tôi. Hằng ngày, tôi trao đổi với các nhà khoa học làm việc tại các trường đại học và các công ty nhỏ, CEO của các công ty dược phẩm hoặc người đứng đầu chính phủ để xem xét bằng cách nào Quỹ Gates có thể giúp thúc đẩy những công việc liên quan đến xét nghiệm, điều trị và vắc-xin. Đến tháng 11 năm 2020, chúng tôi đã cam kết tài trợ hơn 445 triệu đô-la để chống lại căn bệnh này và hàng trăm triệu đô-la khác thông qua các khoản đầu tư tài chính khác nhau để đưa vắc-xin, xét nghiệm và các sản phẩm quan trọng khác nhanh hơn đến các quốc gia có thu nhập thấp.
Do
https://ebookviet.shop/product/tham-hoa-khi-hau-chung-ta-da-co-gi-va-chung-ta-phai-lam-gi-de-ung-pho/
Nhận xét
Đăng nhận xét